Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

Đôi gò bồng đảo

Trong một bài thơ tả người thiếu nữ ngủ lúc trưa hè, được truyền tụng là của Hồ Xuân Hương, có câu “Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm”, và ta hiểu rằng hai đảo bồng lai ấy là đôi vú, vẫn còn ngậm sương vì chưa đến thời tiết sữa nuôi con.



Từ xưa đến nay, ngoài tiếng nhũ hoa, có lẽ đó là những tiếng đẹp nhất nói về phần nổi trên ngực người phụ nữ. Bởi không chỉ là vẻ đẹp vô cùng hấp dẫn, nhũ hoa còn là cơ quan tuyệt vời nuôi dưỡng cuộc sống cho nhân loại này. Vì vậy, ở một số nước, tiếng trẻ gọi mẹ bắt nguồn từ tiếng La tinh mamma, nghĩa là bầu vú.
Trong một bài báo nói về những bí ẩn của bộ phận này, J.D.Rateliff cho rằng chức năng của bộ nhũ hoa vô cùng phức tạp và người ta vẫn chưa hiểu hết được về nó. Ngay cả những trẻ sơ sinh, dầu nữ hay nam, nếu được kích thích bằng những hoóc môn của mẹ thì nhũ hoa vẫn có thể tiết ra vài giọt sữa - và tiếng Pháp gọi là sữa phù thủy. Sau đó nhũ hoa ngủ yên đến tuổi dậy thì. Và đến lúc này sẽ có một số biến đổi quan trọng để người thiếu nữ đảm đương chức năng làm mẹ.
Không thể kể hết ra đây những biến đổi quan trọng ấy nên chỉ ghi lại một vài nét chính. Trước hết, những mầm chồi của tuyến sữa sẽ phát triển dần làm cho bầu vú lú cao như hình nón, rồi lớp mỡ bọc được hình thành ngay ngoài các tuyến sữa.
Dần dà núm vú nở thêm và thon dài ra cho vừa miệng ngậm của trẻ sơ sinh, xung quanh có điểm một vành chấm đen. Vành chấm đen này chứa nhiều hạch mỡ, chức năng có lẽ để giữ lớp da đầu vú khỏi bị tưa nứt khi trẻ ngậm mút.
Điều đặc biệt là sau khi sinh, trong khoảng từ 2 đến 4 ngày bầu vú người mẹ rỉ ra chất nước màu vàng sánh đặc - không có giá trị dinh dưỡng - gọi là sữa sống. Chất này giúp ống tiêu hóa của trẻ sơ sinh xổ nhẹ, xả được các chất nhầy cùng những cặn bã ở bên trong. Người ta phân tích thấy chất sữa này còn chứa những thứ kháng thể bảo vệ cho trẻ sơ sinh khỏi bị nhiễm bệnh trong những ngày mới chào đời.
Sau khi sinh ra, đứa trẻ bị giảm cân nhanh cần được tiếp tế thức ăn nên não - thùy của người mẹ tiết ra chất prolactine - còn gọi là hoóc môn của tình mẫu tử - để khởi động cơ chế sản xuất sữa. Chất này còn có công dụng kiềm chế bản năng tình dục và làm ngắt quãng kinh kỳ để hạn chế sự thai nghén của người phụ nữ khi con còn bú. Nói chung, sự bào chế sữa nơi các loài vật cũng là một điều kỳ diệu.
Con bò sữa cứ ăn cỏ nhưng món sữa bò chứa đựng đủ thứ bổ dưỡng nên một con bê chỉ trong hai tháng đã tăng gấp đôi thể trọng. Nếu so sánh với sữa người thì sữa bò chứa đựng gấp đôi chất đạm, gấp bốn lượng vôi, gấp năm lượng phốt phát. Dẫu nguyên liệu của sữa chỉ lấy từ máu, nhưng việc chuyển đổi từ máu ra sữa là một quá trình siêu đẳng gần như là phép luyện kim.
Người ta ước tính phải có 400 phần máu đi qua nhũ hoa mới chế chiết ra được 1 phần sữa. Mà thành phần của máu lại hoàn toàn khác với thành phần của sữa. Như chất đường glucose trong máu thì chẳng giống mấy với đường lactose trong sữa. Các acid amin của máu cũng khác xa với những hợp chất đạm trong sữa, và các acid béo trong máu với chất mỡ trong sữa cũng vậy.
Nhũ hoa còn có khả năng thích ứng đáng kể trong việc tiết sữa theo nhu cầu của đứa bé. Trong tuần lễ đầu, vài trăm gam sữa mỗi ngày cũng đủ cho một đứa bé nặng 3,5kg. Khi bé lớn dần, nhũ hoa vẫn cung cấp đủ sữa, có thể đến hơn 1 lít mỗi ngày.
Người ta cũng thấy, ở tất cả loài có vú, việc cho con bú tạo thêm một niềm thích thú, có thể do sự kích thích bầu vú khi cho con ngậm mút sữa và cũng do sự co thắt từng hồi ở nơi tử cung được điều khiển bởi các hoóc môn tiết ra trong lúc cho con bú. Khi đứa bé dứt sữa thì nhũ hoa như được bí mật thông báo một cách kỳ diệu và sẽ dần teo nhỏ lại.
Với những bộ ngực phơi trần, các dân tộc bán khai được coi là có quan niệm đúng đắn về bộ phận quý báu này hơn các dân tộc văn minh. Đó là chưa nói, ngày xưa, các cụ nhà ta luôn bắt chị em nịt vú thật chặt, ép vú thật sát khiến nhiều người bị nghẹt thở.
Có lẽ các cụ cho rằng, vú nổi là cách gợi tình, và cũng có lẽ, ngày xưa, có những anh chàng vô học chuyên đi gạ gẫm chị em chỉ bằng mỗi việc… bóp vú, ngay ở ngoài đường.
Vú là bộ phận hết sức tinh vi và có chức năng phức tạp nên vú thường là đầu mối của nhiều phiền phức cho người phụ nữ. Đáng kể nhất là bệnh ung thư thường xảy ra với nhũ hoa hơn là các bộ phận khác.
Ở một đất nước được xem là khá văn minh như Đức mà năm 1990 báo chí cho biết có đến 32.000 phụ nữ mắc phải bệnh này và 15.000 đã chết. Kết quả kiểm tra cho thấy số người tử vong do phát hiện bệnh quá muộn để các tế bào ung thư lan sang các bộ phận bên cạnh. Nếu được phát hiện kịp thời thì 90% trường hợp mắc bệnh sẽ được chữa khỏi và ít có trường hợp nào phải cắt bỏ hoàn toàn như trước đây.
Không phải đợi đến tuổi ngoài 40 mới lo kiểm tra bồng đảo, mà các chị em cỡ 20 tuổi trở lên phải biết tự kiểm tra mình. Tiến sĩ Hilt, chuyên gia về ung thư, đã hướng dẫn cách thực hành như sau: “Đặt 3 ngón tay trỏ, ngón giữa và ngón trỏ nằm ngang trên mặt da vú rồi xoa và ấn nhẹ khắp bầu vú, xem có hiện tượng cục thịt nhỏ nào, hoặc có chỗ nào bị cứng không. Nếu thấy nghi ngờ, dầu chỉ là hoài nghi thôi cũng phải đến ngay bác sĩ để kiểm tra lại”.
Ai cũng hiểu rằng nhũ hoa có hai chức năng: thẩm mỹ và nuôi con. Về mặt thẩm mỹ, cần nhớ bầu vú được bao bọc bởi những lớp mô có tính đàn hồi, mềm mại, và lớp mô này cần được bảo vệ thì bộ ngực mới không bị biến dạng. Các nhà thẩm mỹ học khuyên mặc áo nịt là cách giữ cho ngực khỏi suy thoái.
Áo nịt giúp nâng vú không cho bị xệ, nhưng không được dùng loại bao vú chật làm cho các mô mất sự đàn hồi, bộ ngực già đi. Có thể dùng loại móc cài ở phía trước ngực hay ở sau lưng, nhưng đoạn dây chằng không nên quá nhỏ và sự chun dãn phải tốt để không ảnh hưởng đến da, đến máu. Và các áo nịt có khung kim loại đều bị chống đối, vì dễ gây bệnh, dẫn đến ung thư. Điều quan trọng là trước khi đi ngủ nên bỏ áo nịt, và nên tập vài động tác thể dục nhẹ nhàng để giữ vú được cân đối, khỏe, đẹp.
Về mặt thẩm mỹ, người ta cũng chia ra nhiều loại vú khác nhau. Trong dân gian thường nói vú mướp, vú ghè, hoặc theo một tục ngôn định vẻ đẹp cho người phụ nữ là “mông tròn như trái quýt, vú nguýt như sừng bò”.
Còn các quyển sách ngày xưa thuộc loại tướng số như Cổ tướng thư chia vú ra làm nhiều loại. Riêng về đầu vú thì có 6 loại như sau: nhũ đầu đại nhi hắc (đầu vú lớn và đen); nhũ đầu tiểu bạch (đầu vú nhỏ và trắng); nhũ đầu hồng nộn (đầu vú có màu hồng nhạt); nhũ đầu bình nhuyễn (đầu vú tẹt và nhão); nhũ đầu như chu sa (đầu vú đỏ như son); nhũ đầu triều hạ (đầu vú chúc xuống).
Trong 6 loại này thì sách xưa cho rằng loại 1 cùng với loại 5 - nghĩa là đầu đỏ, đầu đen - là hai loại tốt nhất. Sách còn chia  bầu vú làm 4 hình thể khác nhau: hình quả chuông (chung hình)chỉ những loại vú cực lớn, sung mãn; hình chén úp (uyển hình)chỉ loại vú tròn, vừa vặn; hình cái mầm măng tre (duẩn hình), còn gọi là hình trái lê, chỉ những bộ ngực đẹp rất nghệ thuật; hình tròn, dài (thủy hình) chỉ những bộ ngực quả mướp, ngực thòng.
Những sự phân loại cụ thể như trên, để chia tốt xấu, có lẽ chỉ là những trò ma mãnh của các ông thầy tướng số ngày xưa bày đặt để mà tìm cách chiêm ngưỡng và sờ nắn nhũ hoa các cô, các bà. Chính vì bầu vú là phần quan trọng ở trên cơ thể của người phụ nữ nên nhiều chị em quá lo chăm sóc đến độ cho bơm, cho nhét vào đó nhiều thứ độc hại để nó nổi cộm mà quên hẳn rằng, đối với đàn ông bộ ngực đẹp nhất là bộ ngực của người mình yêu, dầu nó thế nào. Câu nói sau đây của một nhà thơ cũng đáng cho ta suy ngẫm: “Khi bộ ngực lép thì hai quả tim dễ gần nhau hơn”.
Ở Việt Nam ta, vú là hình tượng quen thuộc trong văn hóa dân gian. Trước hết phải kể vú em là lớp lao động chuyên khai thác vú làm phương tiện sống, đó là những người đàn bà nghèo khổ phải đem vú sữa của mình nuôi con những gia đình giàu, hoặc vì mẹ chết, hoặc không có sữa, hoặc quá bận rộn hay quá biếng lười.
Cũng có những người tuy gọi vú em nhưng không có sữa và chỉ nuôi con thiên hạ bằng cách đút cháo, nhai cơm. Bên cạnh lớp vú em nữ còn một lớp nữa, trong giới đàn ông, gọi là vú đực, chỉ những gia sư nuôi dạy con cái của người thiên hạ.
Thi hào Nguyễn Khuyến, thuở còn hàn vi, từng làm gia sư cho một số nhà quyền thế và trước thái độ nhiều người coi rẻ nghề này ông đã làm bài Vú đực, theo lối ca trù, để nâng vị thế người vú lên. Chỉ xin trích dẫn sau đây mấy câu cuối cùng:
… Khi nuôi nên con phụng, cháu rồng
Công vú lại hơn công sinh đẻ
Thuê mướn được vú này há dễ
Chẳng như ai sồ  xệ vú dưa gang
Vú này nuôi khắp tài lang!
Ngoài ra không kể những cái vú đá (thạch nhũ) trong các hang động, chúng ta còn một loại sản phẩm ở biển, thuộc loại nghêu sò, tên là vú nàng rất được các tay ăn nhậu ưa thích. Và ở miệt vườn Nam Bộ, khá nhiều những cây vú sữa tươi xanh đầy quả no tròn.
Có lần một khách ngoại quốc ghé đến thăm nhà, tôi đem mấy trái vú sữa ra mời và phải dịch là loài vú có sữa để người ta hiểu. Ông khách bèn nói: “Việt Nam có những trái cây tên rất đặc biệt”.

Bầu vú quan trọng là vậy, đáng yêu là vậy nhưng những văn thơ nói về đôi vú không nhiều. May mắn cách đây trên 40 năm tôi đã gặp được một bài thơ hay của thi sĩ Truy Phong, người con của đất Vĩnh Long xinh đẹp và giàu tài năng, từng là tác giả thi phẩm nổi tiếng một thời - Một thế kỷ, mấy vần thơ - làm để tống tiễn bọn thực dân Pháp trở về cố quốc.
Bài thơ Vú mẹ của Truy Phong được viết trong thời chống Mỹ, vào khoảng giữa năm 1967 đăng trên tuần báo Tin Văn, tờ báo chính do Khu ủy chỉ đạo giao cho cơ sở nội thành Sài Gòn thực hiện ngay trong vùng địch kiểm soát.
Bài thơ được đăng trang trọng, với lời tác giả ghi chú bên trên: “Kính dâng ai còn mẹ để thương, có nước để thờ”, dài 13 đoạn, mỗi đoạn 4 câu. Chỉ xin trích dẫn sau đây 3 đoạn, đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối.
Thuở bé tay ghiền măn vú mẹ
Miệng thèm đòi núm ửng màu son
Mỗi lần vú hiện trong tà áo
Ngậm vú no rồi ôm vú hôn.

...Sữa mẹ cho con đôi mắt sáng
Bàn tay rắn chắc, quả tim hùng
Cho con thơ để con rung cảm
Thương nước trong nguồn đổ mấy sông!

...Một trăm năm nữa, ngàn năm nữa
Miệng vẫn còn in vú mẹ hiền
Dù sữa bột thơm hay sữa ngọt
Cũng không bằng sữa mẹ thiêng liêng!
Và nói đến vú chúng ta không thể quên người Việt Nam có thể là nước duy nhất trên thế giới này có một bộ vú cực kỳ dài, lớn mà không nơi nào sánh được, đó là bộ ngực của bà Triệu Trinh Nương, tức là Bà Triệu, người đã cùng với anh ruột là Triệu Quốc Đạt cầm binh chống lại giặc Ngô xâm lược từ giữa thế kỷ thứ 3, sau Công nguyên.
Truyền thuyết nói rằng bà có vú dài 3 thước - hẳn là thước ta - và khi xông trận thường phải vắt vú lên vai. Dầu rất xinh đẹp bà vẫn không chịu lấy chồng vì muốn dành hết tâm lực đuổi bọn xâm lược ra khỏi đất nước. Và với “đôi gò bồng đảo sương còn ngậm” mà đã trở thành… đại mướp như thế cũng là điều lạ.
Người ta có thể nghi ngờ điều đó, song qua nhiều đời sự kiện đã được sử sách chép lại, hẳn là có thực. Quả chẳng một ai dám đến gần Bà để mà đo vú nên cái con số ba thước chỉ là hình tượng về một chiều dài không mấy bình thường. Còn nhớ, vào thời Pháp thuộc, ông Hoàng Cao Khải có làm bài thơ ca ngợi Bà Triệu, bài thơ tầm thường chỉ có cặp trạng là nghe tạm được:
Lừng lẫy non sông, ba thước vú
Xông pha tên trận một đầu voi.



Người đồng thời là cụ Phan Điện - một nho sĩ nổi tiếng ở Hà Tĩnh - đi đâu cũng chỉ trích sự kém cỏi của bài thơ này nên người con của ông Hoàng Cao Khải là Hoàng Mạnh Trí - bấy giờ là tri huyện Đức Thọ, mời cụ Phan Điện đến công đường và bảo: “Sao ông đi đâu cũng chê bài thơ của cha tôi là dở. Ông hãy làm một bài khác xem sao. Nếu không hơn của cha tôi thì tôi sẽ giữ ông lại nơi này”.
Ông Phan Điện không cần suy nghĩ (hoặc ông đã từng suy nghĩ lâu rồi) cầm bút viết liền tám câu Đường luật sau đây:
Phải đánh vì chưng giặc đến nhà
Phất cờ, vắt vú, cưỡi voi ra
Sợ non sông Lạc vào tay chú
Cho tướng quân Ngô biết mặt bà
Bắc Hán ngàn năm chưa có một
Tây Hồ hai chị nữa là ba
Còn trời, còn đất còn non nước
Còn lắm anh hùng ở xứ ta.
Bài thơ quá hay, chứa đầy hào khí xuyên suốt từ trên xuống dưới theo như các cụ thường bảo nhất khí quán hạ khiến ông tri huyện lặng thinh để cho cụ Phan đi thẳng về nhà.
Như thế, nói theo ngôn ngữ ngày nay, nhắc đến rau cải người ta quen dùng cái tiếng siêu sạch, bàn về ca sĩ người ta quen gọi bằng tiếng siêu sao, chúng ta có thể tự hào rằng dân tộc mình từng có siêu vú.
Theo: Vũ Hạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét